Tại dự án Luật Đường bộ (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã đề xuất bổ sung quy định trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện cho phương tiện sử dụng năng lượng điện.
Sáng 10-11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đường bộ trước Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc xây dựng dự thảo Luật Đường bộ sửa đổi nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển vận tải đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-1-2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Việc xây dựng luật cũng hướng tới tạo cơ chế đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại hóa; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xây dựng cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình tờ trình về dự án Luật Đường bộ trước Quốc hội. Ảnh: Trọng Hải
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 92 điều. So với dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển 3 chương sang Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (đó là chương về quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện và phương tiện tham gia giao thông đường bộ).
Về các quy định chung, dự thảo luật đã thay đổi phạm vi điều chỉnh; bổ sung các chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ trên cơ sở các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; quy định về hệ thống giao thông thông minh…
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định tổ chức giao thông; phân định rõ tốc độ thiết kế của đường, tốc độ khai thác trên đường bộ; trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình đường bộ; các trường hợp kết nối giao thông; bổ sung trách nhiệm quản lý, vận hành khai thác, sử dụng và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ.
Đặc biệt là bổ sung quy định về trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh; quy định trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện.
Cùng với đó, dự luật cũng bổ sung quy định thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác; thanh toán điện tử giao thông.
Về đường bộ cao tốc, dự thảo luật bổ sung quy định làm rõ đường bộ cao tốc; tiêu chuẩn, quy chuẩn và ứng dụng khoa học công nghệ trong thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác đường cao tốc; các chính sách phát triển, đầu tư, xây dựng đường cao tốc.
Đặc biệt, bổ sung quy định về trạm dừng khai thác đường cao tốc, trạm dừng nghỉ, điểm dừng, đỗ xe trên đường cao tốc; trung tâm quản lý, điều hành đường cao tốc quốc gia…
Đáng chú ý, dự thảo luật cũng bổ sung quy định về hoạt động vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương; hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô; dịch vụ cho thuê phương tiện; dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ; ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô…
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Trọng Hải
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ nhằm góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường bộ và bảo đảm tốt hơn quyền tự do đi lại của công dân…
Đề cập đến phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản tán thành song đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ về phạm vi điều chỉnh cũng như một số nội dung của dự thảo luật với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho phù hợp, tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất và khả thi.
Nguồn: Quân Đội Nhân Dân
Sản Phẩm: đến cửa hàng .